Dấu hiệu và cảnh báo Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004

Hình ảnh về sóng thần Ấn Độ Dương 2004

Mặc dù khoảng cách thời gian giữa lúc khởi phát cơn địa chấn và thời điểm sóng thần tiếp cận đất liền lên đến vài tiếng đồng hồ, hầu hết nạn nhân đều hoàn toàn bất ngờ khi đột nhiên thấy mình bị chụp bắt bởi thảm hoạ; không hề có hệ thống cảnh báo sóng thần nào trên Ấn Độ Dương để phát hiện sóng thần, hoặc quan trọng không kém, để cảnh báo cư dân đang sống trên bờ. Không dễ dàng gì để dò tìm sóng thần trong khi chúng đang còn ở biển sâu, vì vậy cần có một mạng lưới các thiết bị cảm ứng để phát hiện chúng. Lắp đặt một cấu trúc hạ tầng các thiết bị truyền thông để có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời là một vấn đề còn khó khăn hơn, nhất là ở những khu vực chưa phát triển của thế giới.

Sóng thần xảy ra còn thường xuyên hơn trong vùng biển Thái Bình Dương do ảnh hưởng của các cơn địa chấn thuộc "Vành đai lửa", nhưng khu vực này từ lâu đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần. Mặc dù mép phía tây của "Vành đai lửa" kéo dài đến Ấn Độ Dương, không hề có bất cứ hệ thống cảnh báo sóng thần nào hiện diện tại đây. Khu vực này tương đối ít có sóng thần, mặc dù động đất vẫn thường xảy ra tại Indonesia. Cơn sóng thần quan trọng lần cuối cùng được ghi nhận vào năm 1883 khi núi lửa Krakatoa thức giấc. Cũng nên biết rằng không phải hễ có động đất là có sóng thần; Ngày 28 tháng 3 năm 2005, một cơn địa chấn 8.7 độ richter đánh vào ngay khu vực này của Ấn Độ Dương nhưng không tạo ra một đợt sóng thần nào.

Trường sóng thần cho trận động đất Sumatra-Andaman năm 2004

Sau khi xảy ra thảm họa, người ta bắt đầu quan tâm đến nhu cầu lắp đặt một hệ thống cảnh báo sóng thần cho vùng biển Ấn Độ Dương. Liên Hiệp Quốc khởi xướng vận động cho hệ thống cảnh báo này và tiến hành những bước đầu tiên vào cuối năm 2005. Có một số đề nghị thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần liên kết toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đại Tây Dương và vùng biển Caribbean.

Chưa quen với dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về sóng thần chính là trận động đất. Dù vậy, sóng thần có thể đánh vào một khu vực cách xa đó hàng ngàn dặm, dù tại đây chỉ có thể cảm nhận được địa chấn rất yếu hoặc ngay cả không có gì hết. Tương tự, trong ít phút trước khi sóng thần đánh vào bờ, nước biển thường rút ra xa. Cư dân ven Thái Bình Dương đã quen với sóng thần và thường nhận ra hiện tượng này để chạy vội lên các vùng đất cao. Ngược lại, ở vùng ven Ấn Độ Dương hiện tượng hiếm hoi này đã khiến nhiều người, kể cả trẻ em, tò mò tìm đến để quan sát và lượm bắt cá bị trôi dạt vào một bờ biển dài 2,5 km (1,6 ml) mà không biết tai họa chết người đã gần kề.[10]

Nước rút tại Bãi tắm Kata Noi, Thái Lan, trước khi đợt sóng thần thứ ba, cũng là con sóng mạnh nhất đổ ập vào bờ, 10:25 sáng giờ địa phương.

Một trong những vùng duyên hải mà cư dân đã kịp di tản trước khi sóng thần đánh vào là đảo Simeulue thuộc Indonesia, rất gần với chấn tâm. Những bài dân ca trên đảo đã kể lại câu chuyện động đất và sóng thần xảy ra năm 1907, và cư dân trên đảo vội chạy lên vùng đồi ngay sau đợt rung chuyển đầu tiên, kịp lúc trước khi sóng thần đánh vào.[11] Trên bãi tắm Maikhao phía bắc Phuket, Thái Lan, một bé gái mười tuổi người Anh tên Tilly Smith, vốn đã nghiên cứu về sóng thần trong lớp địa lý ở trường, nhận ra dấu hiệu bất thường của biển khi nước đang rút ra xa và sủi bọt. Cô bé cùng cha mẹ cảnh báo những người đang có mặt tại bãi tắm, tất cả đã tìm được chỗ trú ẩn an toàn.[12] John Chroston, một giáo viên sinh học đến từ Scotland, cũng nhận ra những dấu hiệu của sóng thần tại Vịnh Kamala, bắc Phuket, vội lấy một chiếc xe buýt chất đầy du khách và dân địa phương và kịp đưa họ đến nơi an toàn ở nơi cao.

Chu kỳ sóng thần

Sóng thần là một chuỗi các con sóng, xảy ra theo chu kỳ triệt thoái và dâng cao trong một giai đoạn kéo dài hơn 30 phút giữa hai con sóng lớn. Con sóng thứ ba là mạnh nhất và cao nhất xảy ra khoảng một giờ rưỡi sau con sóng thứ nhất, sau đó những đợt sóng thần nhỏ tiếp tục xuất hiện cho đến hết ngày.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004 http://www.smh.com.au/specials/tsunami/ http://www.abc.net.au/news/newsitems/200501/s12757... http://english.people.com.cn/200501/13/eng20050113... http://nebuchadnezzarwoollyd.blogspot.com/2009/12/... http://www.cbsnews.com/stories/2005/02/21/earlysho... http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapac... http://www.chrisvalentines.com/projects/tsunami.ht... http://edition.cnn.com/2005/TECH/science/05/19/sum... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2004/tsunami.disas... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2005/tsunami.oneye...